Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global, trụ sở tại Paris – Pháp) đang thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ do TP.HCM đặt hàng về “Xây dựng chiến lược phát triển hình ảnh, thương hiệu TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cho biết sau khi nghiệm thu, nội dung đề xuất từ kết quả của nhiệm vụ khoa học công nghệ này sẽ bao gồm định vị thương hiệu TP.HCM và những ý tưởng bổ sung cho phát triển TP.HCM, trong đó chiến lược thương hiệu sẽ phải phù hợp với những định hướng về kinh tế, xã hội TP.HCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, kết quả nhiệm vụ phải cụ thể, khả thi trong hoạt động phát triển văn hóa và du lịch thành phố.
Muốn xác định thương hiệu một thành phố, không thể không bàn đến những giá trị cốt lõi làm nên căn tính của nó. Nhân kỷ niệm 49 năm ngày hòa bình, thống nhất đất nước (1975 – 2024), Người Đô Thị có cuộc trò chuyện đa chiều với nhà đô thị học PGS-TS. Tôn Nữ Quỳnh Trân – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đô thị và Phát triển TP.HCM, cùng ghi nhận một số ý kiến của chuyên gia, nhà quản lý, thị dân Sài Gòn về những giá trị cốt lõi của Sài Gòn, nay là TP.HCM.
PGS-TS. Tôn Nữ Quỳnh Trân là một nhà nghiên cứu văn hóa đô thị, nhất là những vấn đề liên quan vùng đất Sài Gòn. Bà là út nữ của giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ mà tên tuổi gắn liền với phong trào đòi dân chủ và hòa bình ở miền Nam trước 1975.
Câu chuyện mở đầu từ chính công trình nghiên cứu của PGS-TS. Tôn Nữ Quỳnh Trân – những con hẻm Sài Gòn. Bà nhận định: “Các con hẻm của thành phố được chia nhánh chân rết từ các con đường chính, đi sâu vào trong, tạo thành mạng lưới khu dân cư. Trong các con hẻm này chúng ta dễ dàng nhận thấy một cuộc sống khác hẳn với các sinh hoạt thường thấy ở các con đường mặt tiền. Ở đây có nhịp độ chậm hơn, có tính cộng đồng cao hơn, khác hẳn với sự cạnh tranh, đua chen ở bên ngoài.
Cuộc sống hẻm phố là môi trường sinh hoạt chính của những người không phải tất bật với công việc bên ngoài như bà nội trợ, người già, trẻ em, thợ thủ công… Sinh hoạt của con người trong hẻm có khác nhau theo lứa tuổi. Đối với người trung niên, lớn tuổi, một chỗ rộng phình ra hay quán cóc đầu hẻm là nơi để ngồi lại với nhau cùng chơi một ván cờ, uống một ly trà hay bàn tán thời sự, tin tức.
Với trẻ con, hẻm là nơi chơi đùa và cũng là dịp tập cho chúng tính đoàn kết, tinh thần tập thể. Với người bôn ba kiếm sống ở bên ngoài, thì con hẻm là nơi tĩnh lặng mà căn nhà của họ ẩn mình… Đó là hẻm Sài Gòn, một trong những giá trị văn hóa vật thể của thành phố bên cạnh các công trình kiến trúc, cảnh quan, các thiết chế văn hóa, dịch vụ đô thị hay ẩm thực”.
Từ góc độ nghiên cứu, xin bà cho biết những phát hiện mang tính khái quát nhất về giá trị văn hóa phi vật thể cốt lõi, khác biệt của Sài Gòn mà những nơi khác không có?
Nói Sài Gòn có cái mà nơi khác không có thì không đúng. Nơi khác cũng có nhưng Sài Gòn thì đậm nét hơn. Trong quá trình nghiên cứu, tôi nhận thấy cái đậm nét nhất của văn hóa Sài Gòn – TP.HCM là sự cởi mở và bao dung. Cởi mở, bao dung gần như song hành với nhau theo nghĩa một đô thị thoáng, mở có điều kiện. Nghĩa là đón nhận những cái mới, cái hay, cái lạ và chấp nhận một cách có điều kiện trong sự bao dung. Bao dung tạo môi trường để nó bám vào văn hóa thành phố và phát triển. Đấy, cái mà tôi thấy các thành phố khác đều có nhưng không đậm nét như sự bao dung, cởi mở của Sài Gòn.
Đó có phải nhờ không gian, thể chế pháp luật thúc đẩy xã hội phát triển về thông thương, kinh tế thị trường và xã hội công dân vốn đã được định hình từ thời Chúa Nguyễn đi mở cõi cho đến thời Pháp thuộc và sau này trong quá trình xây dựng, hình thành nên thành phố?
Tôi muốn nói đến trước hết là do địa chính trị của TP.HCM. Đó là một vị trí hội tụ của rất nhiều con đường. Đầu tiên là đường biển. Từ thế kỷ XVII – XIX, rồi sau này nữa, các nhà du hành đều đi theo đường biển để đến được thương cảng Sài Gòn. Đi liền với đường biển, thành phố này còn một chức năng lớn là đô thị sông nước. Ngoài hệ thống kênh rạch chằng chịt tự nhiên, chúng ta nhớ rằng năm 1772, Chúa Nguyễn cho đào con kênh Ruột Ngựa thẳng tắp nối liền Rạch Cát đến kênh Lò Gốm để thông thương ghe thuyền chở lúa gạo từ Long Hồ đến Gia Định được thuận lợi.
Sau đó, năm 1819, vua Gia Long lại cho đào kênh Tàu Hũ (sông An Thông) thành tuyến đường thủy huyết mạch nối Sài Gòn – Gia Định với miền Tây. Tất cả có thể dẫn đến ngã ba vàm Bến Nghé, tức nút giao kênh Tàu Hũ với rạch Bến Nghé, để tiếp tục ra sông Sài Gòn.
Đó là những đường thủy mà ghe thuyền từ đất liền phía Tây Nam hoặc Campuchia có thể đi tới, tàu bè ngoài biển cũng có thể chạy vào qua Cần Giờ, Soài Rạp tới “Nhà Bè nước chảy chia hai” là chỗ hội tụ của Sài Gòn xưa, để “Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về”. Ở đây xin mở ngoặc một cách đáng tiếc là đô thị của chúng ta đều có dòng sông nhưng chỉ phát triển một bên. Đến nay, trong khi chỉ TP.HCM đang trăn trở vượt sông thì các địa bàn khác ở Nam bộ, dòng sông vẫn còn chảy bền bỉ với một bên là những đô thị đang tiếp tục phát triển.
Về đường bộ, từ xa xưa Sài Gòn đã nằm trên hai trục thiên lý cũ Bắc – Nam (đường Xô Viết Nghệ Tĩnh ngày nay) chạy qua Bình Quới, vượt sông Sài Gòn để ra Bắc và thiên lý cũ Đông – Tây đi qua đường Cách Mạng Tháng Tám hiện giờ. Ngoài ra, còn phải kể đến con đường sắt Sài Gòn – Mỹ Tho. Con đường đó cũng làm cho Sài Gòn tiếp cận dễ dàng hơn với đồng bằng sông Cửu Long.
Đối với khu vực, toàn bộ Đông Nam Á có thể chia làm hai phần lục địa và hải đảo, lấy Sài Gòn là trung tâm. Phần Đông Nam Á lục địa gồm Thái Lan, Lào, Campuchia; Đông Nam Á hải đảo là Indonesia, Malaysia, Singapore. Với một cái nhìn địa chính trị như thế là tính chất tạo nên sự mở, thoáng và đa dạng của Sài Gòn. Có thể nói dấu ấn đặc biệt của TP.HCM hoàn toàn khác nơi khác là từ vị trí địa lý mà ra.
Ngoài yếu tố trên, tính cởi mở, bao dung còn biểu hiện ở đâu nữa, thưa bà?
Theo tôi, còn ở rất nhiều khía cạnh. Ví dụ thành phố tiếp nhận luồng nhập cư từ các nơi đến rất nhiều. Ban đầu là di dân khẩn hoang thời xưa. Đến 1954, đây là nơi tiếp nhận số lượng lớn người dân miền Bắc vào; với tư tưởng khác, tôn giáo khác, nhưng tới đây họ vẫn sống được, vẫn làm việc, phát huy được. Tại sao vậy? Bởi vì Sài Gòn đã tiếp nhận quá nhiều người mới nên quen rồi! Chắc chắn là có sự dè chừng, nhưng người thành phố không hề có thành kiến khi tiếp nhận.
Một tính cách Sài Gòn nữa là tiên phong. Bên cạnh đi đầu trong các phong trào xóa đói giảm nghèo, xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương, thanh niên tình nguyện… thì thành phố tiếp nhận những cái mới trong tư tưởng một cách rất nhẹ nhàng. Tờ Gia Định Báo, rồi Phụ Nữ Tân Văn là những tờ báo đầu tiên ở Việt Nam, hoặc tư tưởng rất mới của La Cloche Fêleé (Tiếng Chuông Rè) của Nguyễn An Ninh. Về truyền thông, ta thấy Bưu điện TP.HCM không những có từ rất sớm mà trong phạm vi “con đường” nối các tỉnh, để Sài Gòn không lẻ loi một mình.
Tiên phong giáo dục với Võ Trường Toản, người đã lập các trường dạy học ở đình, nơi sản sinh rất nhiều học trò lỗi lạc của ông như Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Lê Quang Định, Ngô Tùng Châu… Sau đó có những trường tiên phong Tây học như Chasseloup – Laubat, Marie Curie… rồi Gia Long, Trưng Vương.
Tôi phải nói đến tính hiện đại. Tại nơi kinh doanh với thị trường rộng mở, thì Hãng đóng tàu Ba Son là tiêu biểu cho tính hiện đại rất lớn của thành phố. Tất cả kỹ thuật tiên tiến, tầng lớp có năng lực quản lý và truyền thụ kiến thức đóng tàu của phương Tây đã hiện diện ở Ba Son.
Khía cạnh nữa là tính đa dạng trong tôn giáo (Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Hồi giáo, Ấn giáo, Hòa Hảo…) và đa dạng dân tộc (Chăm, Khmer, Hoa…). Ở đây cũng quy tụ rất nhiều lễ hội với hơn 300 ngôi đình. Rồi tính hào hùng mà các nhà báo hay gọi “tính hào sảng”, thì văn hóa đấu tranh của Sài Gòn ngày xưa độc đáo, nổi bật nhất cả nước. Các phong trào sinh viên tranh đấu, biểu tình trước 1975 cho ta những Trần Văn Ơn, Quách Thị Trang… Huế cũng nổi tiếng tranh đấu nhưng chỉ dừng ở đấu tranh tôn giáo, còn Sài Gòn thì chiến đấu không chỉ vì Phật giáo mà còn nhiều điều khác nữa.
À, cũng cần đề cập đến tiếp thu văn hóa nước ngoài. Sài Gòn là nơi hấp thụ văn hóa nước ngoài sớm nhất, như chúng ta biết The Beatles đã du nhập sớm tại đây. Trịnh Công Sơn nói rõ sự khắc khoải của con người. Đó chính là mầm mống hiện sinh ở trong đầu, trong âm nhạc của ông và Sài Gòn. Hay như Tôn Thất Lập, tuy nhạc đấu tranh nhưng mà lại đi vào lòng người.
Vậy có phải chỉ ở Sài Gòn, người dân tứ xứ về đây mới tạo ra được những giá trị bản sắc của thành phố như năng động, sáng tạo, luôn sẵn sàng “sắp xếp” một cuộc chơi sòng phẳng khi phải đối diện với các mặt của đời sống. Nhưng tại sao khi đi nơi khác hoặc trở về cố hương, họ không tạo ra được “hơi thở” đó nữa?
Tôi thú vị với câu hỏi. Tôi xin trả lời không chỉ với tư cách xã hội học, tất cả chúng ta biết mình sinh ra có nhiều vốn để sống trên đời. Vốn của ai đó là sức khỏe, ngoại ngữ, tiền bạc, dòng dõi… và còn có một cái vốn nữa, đó là vốn xã hội, tức là những mối quan hệ của mình. Khi đã xa rời quê hương rồi trở về lại, thì vốn xã hội của chúng ta không còn, cũng như môi trường xã hội cũng không có để phát huy.
Chính vì vậy, khi trở về cố hương, họ đã mất đi hay để sau lưng nguồn vốn cơ bản đó của con người. Họ thiếu đi nguồn vốn xã hội chính, cho nên không thể xây dựng được ở nơi cố quận của mình tính đa dạng, trẻ trung của Sài Gòn. Một con người thành công, nhờ vốn xã hội nhiều lắm. Trong phạm vi câu hỏi này, tức là ta chỉ mang con người ta trở lại cố hương thôi, không thể mang Sài Gòn theo được.
Một Sài Gòn – TP.HCM với sức mạnh mềm như vậy, không biết qua bao nhiêu đổi thay, có còn tồn tại?
Nếu chúng ta chú tâm thì thấy hình như nó vẫn lãng đãng đâu đây. Dù hơi xa, có gì đó chập chờn nhưng suy xét kỹ lại, nó vẫn còn mà không phải yếu đâu, ngược lại nữa. Ví như ngoài hào sảng, nghĩa tình. Không phải vì đó là tuyên bố của một lãnh đạo nào đó mà tôi nói như vậy. Sài Gòn chính là nơi khởi xướng và lan tỏa ATM gạo, siêu thị 0 đồng và nhiều thứ nữa… Hào hùng đó vẫn còn mà có khi do ở cận cảnh quá ta không thấy. Bởi thứ nhất, yếu tố địa chính trị vẫn còn, không thể mất. Thứ hai, những đặc tính đó không phải mới xuất hiện. Nó đã bắt nguồn từ nhiều thế kỷ trước rồi.
Sau 1975, tất cả những cái ấy đều bị ảnh hưởng nhưng không lu mờ đi, tôi chắc chắn như vậy. Con người Sài Gòn vẫn mở, vẫn rất bao dung. Thể hiện qua rất nhiều ca sĩ sau này đã gây dựng được tên tuổi tại đây, thêm nhiều người nhập cư đã lập nên cơ nghiệp ở đây. Trong sự đa dạng, tôi cho rằng còn đa dạng hơn và chính vì thế mà làm cho con người ta bối rối. Bởi khi phải tiếp nhận quá nhiều luồng văn hóa, tự nhiên người ta nghĩ rằng có thể cái trước đây bị phá vỡ. Đặc biệt sau Đổi mới 1986, không chỉ có Anh, Pháp, Mỹ mà có cả luồng văn hóa, tư tưởng các nước xã hội chủ nghĩa nữa. Tôi thấy đa dạng hơn nhiều và chính cái đa dạng càng làm cho con người cảm thấy hoang mang trong cái sự quá mới đó.
Bà đánh giá thế nào về những giá trị hiện nay so với trước, ví như tôn sư trọng đạo, có bị khủng hoảng, có bị xâm phạm không?
Có thể trong những cuốn sách của tôi, màu hồng nhiều quá. Vì tôi cốt đi tìm nét văn hóa, nhưng cũng sẽ có những cái phản văn hóa mà xã hội nào cũng có.
Trên đường đến nhà bà, chúng tôi đi ngang qua lăng của Pétrus Trương Vĩnh Ký, người lập ra Gia Định Báo mà bà vừa nhắc tới…
Tôi vẫn thường qua thăm ông và thấy xót xa. Tại sao lại để cho lăng của ông thảm quá như vậy? Đi ngang hôi lắm. Nhưng có một nhà đô thị học tên là Louis Wirth, trong tác phẩm Urbanism as a Way of Life (Chủ nghĩa đô thị như một lối sống) rất nổi tiếng, đã cho rằng ở trong đô thị, ngoài những tính chất tích cực, nó có những tính phản diện. Con người hờ hững, lợt lạt với nhau. Tính cộng đồng không bằng nông thôn. Bởi tính cá nhân của người trong đô thị hết sức rõ nét.
Để giải thích tại sao lăng Pétrus Ký vẫn như thế vì chúng ta mang cái tính mặt tiêu cực đó của đô thị. Chúng ta không xem đó là việc của mình. Chúng ta đi, đứng ngoài cuộc, nhìn đời như thế. Louis Wirth gọi đó là tính chuyên biệt, tức là việc này không phải việc của tôi. Đó là một trong các tính xấu của đô thị. Mặt khác tính chuyên biệt lại tích cực khi mọi người phải tôn trọng tự do cá nhân của nhau. Tất cả có một phần trách nhiệm của mỗi người.
Nếu như không có gì bị lu mờ đi thì có cần cải thiện các quyết sách cho TP.HCM để bảo vệ, duy trì các giá trị đã bàn đến?
Do sự chập chờn của một giai đoạn nào đó, chứ tôi nghĩ Sài Gòn vẫn tốt hơn, mà sau khi Đổi mới thì chính TP.HCM là nơi đi mạnh nhất, sớm nhất trên mọi phương diện. Tôi cũng muốn nói là vật chất quyết định rất nhiều. Muốn văn hóa đẹp, tốt, phải đầu tư tiền của vào thôi. Có lúc chúng ta chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn hóa, có làm được không? Tại sao trước đây lại có những cái đẹp như vậy dù nghèo? Các câu hỏi mình phải nghiên cứu thêm. Nhưng tôi nghĩ dù vật thể hay phi vật thể đi chăng nữa, muốn giữ gìn thì vấn đề vẫn là kinh phí để duy trì nó. Chuyện lăng Pétrus Ký có một phần nữa là thiếu tiền.
Đề cao tính hào hùng và biểu hiện là sự đấu tranh của TP.HCM trước đây với những Trần Văn Ơn, Quách Thị Trang… vậy theo bà, làm sao để thành phố tiếp tục sản sinh ra những hào kiệt?
Tôi nghĩ mấy thiết chế văn hóa không tạo ra được, đó là do tính cách con người thôi. Tôi cho rằng việc giáo dục lý tưởng là cần thiết. Song song đó, để khơi dậy tinh thần cha anh, cần các biện pháp kích thích, bên cạnh các luật lệ, nguyên tắc. Cần tạo ra hưng phấn để nuôi dưỡng cái hào hùng trước kia. Tóm lại, ngoài các quy định để bảo đảm trật tự, phải kèm theo cơ chế kích thích tạo động lực.